Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc

Từ thời nguyên thủy xa xưa nhất, trang phục đã ra đời trước hết là để bảo vệ cơ thể con người chống lại các tác động có hại của ngoại cảnh: khí hậu, côn trùng...

Qua quá trình tồn tại từ thời nguyên thủy cho đến thời đại ngày nay, trang phục không chỉ phụ thuộc vào môi trường sống, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, thiết chế xã hội, quan niệm về thẩm mỹ tâm lý... của các tộc người mà còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, như nguyên liệu, kỹ thuật chế tác… Trải qua thời gian, những yếu tố đó đã trở thành cái riêng của từng tộc người và mang dấu ấn truyền thống được duy từ rất lâu đời

Việt Nam chúng ta có trên 50 dân tộc, hầu như dân tộc nào cũng đều có những bộ trang phục cổ truyền rất giàu bản sắc tộc người, thể hiện ở kiểu cách cắt may, ở hình dạng, ở màu sắc và hoa văn trang trí trên trang phục. Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đã trở thành thành tố quan trọng của văn hóa vật chất chứa đựng thông tin về văn hóa tộc người, ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử đều đảm nhiệm vai trò lịch sử lớn lao, đó là những yếu tố nhằm biểu hiện sức sống và bản sắc của một dân tộc vượt qua mọi thăng trầm trong lịch sử, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của cư dân của các dân tộc thiểu số.

Tỉnh Thái Nguyên có 8 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông và Hoa. Mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn có cách trang trí, sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng. Chẳng hạn người Tày với màu chàm đặc trưng. Người Nùng Phàn Slình có những đường chỉ nổi màu vàng, xanh nõn chuối được thêu sặc sỡ phần cổ và vạt áo. Trang phục của người Nùng Cháo được thêu với phần chỉ chìm trên nền chàm. Trang phục Dao (Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt và Dao Lô Gang) đều có điểm chung là sử dụng màu sắc rực rỡ, với các màu chủ đạo khác nhau như: hồng, đỏ, cam. Trang phục của người Mông được thiết kế cầu kỳ với phần yếm quần và khăn vấn thêu tỉ mỉ. Những trang phục truyền thống của các dân tộc đã cùng hòa quyện tạo nên bức tranh nghệ thuật trang phục có sắc thái riêng của Thái Nguyên.

Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng đang phát triển mạnh mẽ theo con đường công nghiệp hóa hiện đại nên đã ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần, ảnh hưởng về lối sống của các tộc người. Là một thành tố của văn hóa dân tộc, trang phục truyền thống của các dân tộc cũng đang lâm vào tình trạng nói trên. Những bộ trang phục truyền thống không tránh khỏi việc biến đổi và mai một, đây là một điều hết sức đáng tiếc.

Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, trong các bản làng của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên đã xuất hiện nhiều loại vải, quần áo công nghiệp may sẵn vừa rẻ lại tiện ích dễ sử dụng, vì thế những bộ trang phục truyền thống đang có sự mai một dần. Hầu hết chị em phụ nữ các dân tộc đã không còn biết dệt vải, biết thêu thùa may vá. Trong cách mặc trang phục cũng có nhiều thay đổi, chúng ta chỉ còn thấy những bộ trang phục truyền thống trong những dịp cưới xin, lễ cấp sắc hay đám tang. Ngày thường họ mặc quần áo giống người Kinh, nhất là nam giới thanh niên và trẻ nhỏ.

Sự thay đổi thể hiện rõ nhất là về nguyên liệu để làm ra trang phục. Trước đây họ thường dùng chỉ se từ sợi bông rồi lấy các loại lá cây trong rừng nhuộm thành các màu để thêu hoa văn, nay họ đã dùng chỉ thêu công nghiệp. Phần nhiều phụ nữ các dân tộc bây giờ thường mua vải công nghiệp bán sẵn ở chợ về cắt may trang phục, cách cắt may trang phục xưa trên cơ sở vải tấm tính theo vuông vải ướm vào người mặc để cắt, dùng kim khâu để may vá. Đến nay, việc cắt may cũng thường sử dụng vải công nghiệp và đo bằng thước để cắt may và dùng máy khâu công nghiệp. Các cô gái dân tộc ở độ tuổi trưởng thành đã không tự cắt được quần áo truyền thống cho mình.

Kỹ thuật thêu thùa tạo dựng các mô típ hoa văn truyền thống trên trang phục cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng thay đổi chất liệu chỉ thêu, kỹ thuật thêu bằng tay truyền thống đã ít dần. Về kỹ thuật chế biến thuốc nhuộm bằng cây chàm theo phương pháp cổ truyền đã mai một từ nhiều thập niên trở lại đây. Họ mua cao chàm bán ở chợ hoặc mua vải nhuộm sẵn màu chàm và các màu khác bằng thuốc nhuộm công nghiệp bán trên thị trường để sử dụng. Lứa tuổi sử dụng trang phục truyền thống dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày chỉ còn trong lớp người cao tuổi, lớp trẻ hơn hầu như không sử dụng trong ngày thường, họ chỉ mặc trong lễ hội, cưới hỏi mà thôi.

Có thể khẳng định rằng trang phục truyền thống của của đồng bào các dân tộc ở Thái Nguyên có sự biến đổi do một số nguyên nhân sau: Do nền kinh tế thị trường nước ta ngày càng phát triển, chính vì vậy đã xuất hiện nhiều sản phẩm vải dệt may công nghiệp, quần áo may sẵn bán tràn ngập trên thị trường, vừa rẻ lại vừa đẹp, tiện ích. Chính vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số lựa chọn mua cho mình bộ y phục bán sẵn ở chợ là điều thật dễ hiểu. Hơn thế nữa, để làm ra bộ y phục truyền thống lại mất nhiều thời gian, công sức.

Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), nguyên nhân biến đổi về trang phục truyền thống dân tộc là do: “Nhu cầu thẩm mỹ của người dân ngày càng cao, hướng tới cái đẹp, cái hiện đại, như một nhu cầu phát triển tất yếu của xã hội, ý thức, thị hiếu về thời trang của đồng bào các dân tộc đã thay đổi, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều nam, nữ thanh niên trở nên tự ti, mặc cảm, e ngại khi phải mang trên mình bộ y phục truyền thống, sợ bị chê là lạc hậu, lỗi mốt, không hiện đại…

 

Mặc dù lớp người cao tuổi vẫn muốn giữ những bộ y phục truyền thống và muốn con cháu mình luôn mặc nó, vì đó là tài sản của tổ tiên để lại nhưng họ chưa biết làm cách nào, vì đa số họ cũng không còn biết dệt, thêu những họa tiết hoa văn và làm ra y phục nữa cho nên trang phục truyền thống của họ cứ ngày ngày dần ít đi…”.

Lớp thanh niên, học sinh, sinh viên ở các huyện miền núi đi làm việc, học tập các thành phố lớn chưa được trang bị đầy đủ vốn kiến thức về trang phục truyền thống của dân tộc mình nên dễ dàng bị sự tác động của các yếu tố văn hóa bên ngoài, có biểu hiện xu hướng vọng ngoại, quay lưng với những bộ trang phục truyền thống dân tộc mình.

Các nhà quản lý về văn hóa tại địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết quý trọng và gìn giữ trang phục như là một di sản văn hóa truyền thống. Những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thì đang còn đang ở ''tầm xa'', chưa mấy ai thực sự tâm huyết, dành thời gian và công sức cho công tác nghiên cứu, điền dã, sưu tầm một cách thấu đáo.

Hiện nay, trang phục truyền thống của các dân tộc trong cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang trải qua thử thách quyết liệt giữa truyền thống và đổi mới, giữa dân tộc và hiện đại, nhiều giá trị văn hóa trên trang phục truyền thống cứ mai một dần. Vì thế muốn hiểu rõ về quá trình làm ra trang phục các dân tộc thiểu số chúng ta cần phải tìm về cội nguồn quá khứ của họ và tìm ra những giá trị và giải mã những thông tin văn hóa ẩn chứa trong mỗi họa tiết hoa văn mà tộc người đó đã tạo nên trong quá trình làm ra trang phục. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa ý thức bảo tồn gìn giữ trang phục truyền thống của những người lớn tuổi với sở thích chạy theo cái mới, mốt thời trang của những người trẻ tuổi. Để giải quyết mâu thuẫn này cần phải có những biện pháp cụ thể.

Việc làm đầu tiên là cần tăng cường sự quản lý, chỉ đạo ở các cấp, các ngành đến với mọi người dân một cách thiết thực, hiệu quả, làm cho họ tự giác, có ý thức để tham gia vào công tác bảo tồn trang phục truyền thống là một di sản quý giá, phong phú và đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị của dân tộc mình. Ngành Văn hóa nên quan tâm hơn đến việc tổ chức, phát động các cuộc giao lưu văn hóa, thi trang phục truyền thống giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, huyện.

Thường xuyên tổ chức các chương trình liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi biểu diễn thời trang các dân tộc, để họ thấy rõ được vốn di sản quý báu của dân tộc mình cần phải bảo tồn lưu giữ. Bên cạnh đó là thành lập đề án thống kê phân loại các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn như: trang phục, nghệ nhân giỏi dệt, thêu, truyền dạy. Việc trao truyền là nhiệm vụ cấp bách, cần phải được tiến hành nhanh chóng. Nên khuyến khích các nghệ nhân làm và trình diễn dệt, thêu hoa văn trên y phục, hướng đến việc trao truyền đạt mục tiêu trả lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.

Ngành Giáo dục phối hợp với ngành Văn hóa, đưa vào các tiết học thủ công cho lứa tuổi học sinh học cấp 1, 2 và các trường Dân tộc nội trú tập cắt may, thêu thùa, tạo dựng các họa tiết hoa văn trên các thành tố của bộ y phục dân tộc truyền thống. Đưa vào chương trình các cấp học phổ thông chính khóa và ngoại khóa về tìm hiểu văn hóa, trang phục truyền thống dân tộc, được trải nghiệm cách dệt, nhuộm chàm, thêu hoa văn…

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Hưng (Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên) thì: “Các cơ quan nghiên cứu như Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, và cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện, thị cần sớm sưu tầm các tài liệu, hiện vật về trang phục truyền thống trong lễ hội,trang phục thường ngày, trang phục trong các nghi lễ tín ngưỡng… để xây dựng thành các sưu tập trang phục nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình…”.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách tôn vinh nghệ nhân dân gian một cách thiết thực. Đầu tư kinh phí cho các nghệ nhân dân gian, truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ cách thức chế biến nguyên liệu dệt vải, nhuộm chàm, thêu dệt, cắt may và đặc biệt là kỹ thuật in, thêu hoa văn cổ truyền.

Đối với các địa phương nên cố gắng khôi phục nghề dệt may truyền thống, tổ chức các lớp học về kỹ thuật nhuộm màu, thêu, in hoa văn, truyền dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ, đưa nghề dệt thủ công thành một hoạt động kinh tế quan trọng trong đời sống của đồng bào, có như vậy chúng ta mới làm cho nghề dệt may truyền thống trang phục dân tộc tồn tại và phát triển.

Việc kế thừa, nghiên cứu, sưu tầm, nhằm bảo tồn và phát huy trang phục các dân tộc đóng vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đó là một việc làm rất cần thiết, cấp bách đối với các ngành chức năng, chính quyền... Thực hiện những điều nêu trên không những sẽ bảo tồn và phát huy được giá trị trang phục của các dân tộc mà còn tạo được bản sắc riêng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú trong kho tàng trang phục cổ truyền của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.